Quy chuẩn 41:2016/BGTVT quy định
xe bán tải khi tham gia giao thông được xem là xe con.
Lâu nay, câu chuyện xe bán tải (pickup) bị CSGT bắt lỗi đi vào làn xe con trên đường phân làn luôn làm nóng các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều ý kiến tranh luận gay gắt về việc xe bán tải có được coi là xe con trong các tình huống phân làn, đi vào giờ cấm hay không. Không ít người cho rằng xe bán tải thực chất vẫn là xe con, vì tính theo khối lượng chuyên chở và số chỗ. Ngược lại, luồng ý kiến khác lại nhận định, đó là xe tải vì mang biển C (theo quy định, xe bán tải tại Việt Nam hiện nay sẽ sử dụng biển số có ký hiệu C và H, để phân biệt với ô tô con sử dụng biển có ký hiệu A, E hay F).
Nguyên nhân của tình trạng này một phần xuất phát từ QCVN 41/2012 quy chuẩn về báo hiệu đường bộ, trong đó ở điểm “4.22” giải thích về ôtô con chưa có khái niệm rõ ràng cho loại xe bán tải mà chỉ mô tả chung chung: “xe chở hàng có trọng tải không quá 1,5 tấn”. Tuy nhiên, tranh cãi này đã chấm dứt từ khi Quy chuẩn 41:2016/BGTVT thay thế quy chuẩn 41:2012 có hiệu lực từ 1/11/2016.
Giải thích rõ hơn quy định này, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: Mục 3.31 thuộc phần quy định chung của Quy chuẩn 41:2016/BGTVT định nghĩa xe bán tải (pick up) có kết cấu thùng chở hàng đi liền với thân xe, có khối lượng chuyên chở cho phép xác nhận theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ mối trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhỏ hơn 1,5 tấn và từ 5 chỗ ngồi trở xuống được xem là xe con.
"Quy chuẩn 41 chỉ áp dụng cho hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ. Vì vậy, bán tải được coi là xe con chỉ có hiệu lực trong phạm vi về biển báo, chỉ dẫn...Không được coi là xe con trong quy định niên hạn sử dụng hay đăng ký biển số", ông Lăng nói.
Ngoài ra, quy chuẩn 41:2016 cũng định nghĩa: Xe tải là xe ô tô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép xác nhận theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ mối trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 1,5 tấn trở lên.